Thể lệ Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An” năm 2021

Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An” năm 2021

I. ĐỐI TƯỢNG, SỐ LƯỢNG DỰ THI

1. Đối tượng:

 Thanh niên, sinh viên đang học tập và sinh sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có tuổi đời từ 18 - 35; trong đó tập trung vào 2 nhóm đối tượng chính:

+ Sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn

+ Thanh niên có ý tưởng, nhu cầu khởi nghiệp.

- Các đối tượng dự thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An” năm 2021 đăng ký dự thi theo cá nhân hoặc nhóm (mỗi nhóm không quá 3 người)

+ Đối với cá nhân dự thi theo hình thức cá nhân: 01 thí sinh chỉ được nộp tối đa 01 ý tưởng, dự án dự thi.

+ Đối với cá nhân dự thi theo hình thức nhóm: 01 cá nhân có thể tham gia nhiều nhóm, nhưng chỉ được là nhóm trưởng của 01 nhóm. Nếu thí sinh có 01 bài đăng ký dự thi theo hình thức cá nhân thì không được tham gia nhóm với tư cách nhóm trưởng.

2. Số lượng:

Mỗi huyện, thành, thị Đoàn và Đoàn các trường đại học, cao đẳng gửi ít nhất 03 ý tưởng, dự án tham gia Cuộc thi.

II. HÌNH THỨC VÀ HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI

1. Hồ sơ gồm:

- Phiếu đăng ký dự thi tại https://bom.to/J2SeQ83DRCzTT

- Bản giới thiệu thông tin tác giả, nhóm tác giả.

- Bản thuyết minh, mô tả về ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

2. Nơi nhận hồ sơ

Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của tác giả, nhóm tác giả tham gia cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Nghệ An” năm 2021 gửi về Tỉnh đoàn Nghệ An qua Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An; địa chỉ: Số 95, đường Trần Quang Diệu, thành phố Vinh; điện thoại 0238.8601179.

III. QUY ĐỊNH VỀ BÀI DỰ THI

1. Thể thức trình bày

- Bài dự thi được đánh máy và in trên khổ A4, cỡ chữ 14, phông chữ Times New Roman. Slide trình chiếu hoặc clip mô tả ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

- Bài dự thi được đóng thành tập, bao gồm trang bìa và nội dung trình bày.

- Thí sinh có thể trình bày theo các hình thức khác, nhưng thể hiện được rõ ý tưởng dự thi.

2. Nội dung, bố cục trình bày

a, Nội dung: Các ý tưởng, dự án được xây dựng trên các lĩnh vực:

Gồm ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên tất cả các lĩnh vực:

- Sản xuất, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp;

- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy tài nguyên tại địa phương thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị nông nghiệp;

- Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua phát triển ngành nghề, sản phẩm truyền thống, khai thác du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

* Lưu ý: Các ý tưởng, đề án phải có tính mới, chưa được công bố, công nhận tại các cuộc thi nào trước đó.

b, Bố cục:

Chương 1: Thông tin chung

- Khái quát: Lĩnh vực và sản phẩm, dịch vụ sẽ thực hiện; mô hình sản xuất, kinh doanh sẽ thành lập,...

- Phân tích thị trường: Phân tích bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội để xây dựng đề án; đánh giá về thị trường hướng tới; phân tích về đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh...; phân tích nguy cơ rủi ro, phương án khắc phục.

- Mô tả: Mục tiêu, quy mô; sản phẩm/dịch vụ sẽ thực hiện; phương thức tiến hành; các bên đối tác; chiến lược phát triển, triển vọng,...

Chương 2: Kế hoạch kinh doanh

- Đầu tư: Nguồn vốn huy động, cách thức sử dụng vốn...; trang thiết bị, mặt bằng, các chi phí khác có liên quan

- Bộ máy nhân sự: Tổ chức bộ máy, quản trị nhân sự...

- Lập kế hoạch tiếp thị: Maketing, truyền thông; dịch vụ kèm theo; tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

- Lập kế hoạch tài chính: Lợi nhuận hàng tháng, năm thứ nhất và trong ít nhất 3 năm đầu; kế hoạch tài chính dự trù cho các năm khi đi vào hoạt động; phương án thu hút vốn tạo nguồn tài chính để đầu tư mở rộng và tái đầu tư.

Chương 3: Kế hoạch hành động

Các hoạt động sẽ thực hiện; tổ chức kinh doanh, sản xuất và dịch vụ hỗ trợ; xâ;y dựng giá thành và giá bán dự kiến...

Chương 4: Định vị thương hiệu

Tầm nhìn thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu; định vị thương hiệu; đầu tư phát triển thương hiệu...

Chương 5: Ý nghĩa tác động xã hội

Phân tích những ý nghĩa kinh tế, xã hội mang lại khi triển khai ý tưởng, dự án thành công.

IV. HÌNH THỨC TỔ CHỨC CUỘC THI

1. Vòng 1: Đi tìm ý tưởng mô hình (Vòng sơ khảo)

- Các thí sinh đăng ký và nộp hồ sơ theo hướng dẫn về huyện, thành, thị Đoàn và Đoàn các trường đại học, cao đẳng trước ngày 23/6/2021

- Các huyện, thành, thị Đoàn và Đoàn các trường đại học, cao đẳng tổng hợp, lựa chọn các ý tưởng, dự án gửi về Tỉnh đoàn Nghệ An qua Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên tỉnh Nghệ An; địa chỉ: Số 95, đường Trần Quang Diệu, thành phố Vinh; điện thoại 0238.8601179 trước ngày 30/6/2021;

- Ban Giám khảo sẽ lựa chọn 10-15 dự án, ý tưởng để dự thi vòng bán kết.

2. Vòng 2: Hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, xây dựng dự án (Vòng bán kết)

- Các thí sinh lọt vào vòng 2 sẽ được Ban Tổ chức hỗ trợ hoàn thiện các ý tưởng dự án thông qua sự tư vấn của các chuyên gia, Ban cố vấn do Ban Tổ chức cuộc thi mời.

- Sau khi được góp ý, tư vấn, các thí sinh hoàn thiện và nộp ý tưởng, dự án về Ban Tổ chức cuộc thi trước ngày 20/7/2021.

- Các thí sinh chuẩn bị mô hình, slide, clip mô tả, thuyết minh về dự án, ý tưởng để trình bày trước Ban Giám khảo.

3. Vòng 3: Chung kết

- Trên cơ sở kết quả cuộc thi tại vòng 1 và vòng 2, các dự án sẽ  được trình bày trước Hội đồng Ban Giám khảo và trả lời các câu hỏi của Hội đồng Ban Giám khảo đặt ra;

- Thời gian tổ chức dự kiến vào ngày 30/7/2021;

- Hội đồng Ban Giám khảo sẽ đề xuất giải thưởng cuộc thi và gửi các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi cấp Trung ương.

V. GIẢI THƯỞNG

1. Cơ cấu giải thưởng

Giải thưởng gồm: Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, hoa, tiền thưởng và hỗ trợ vay vốn, được cơ cấu như sau:

 

         Nội dung

Giải

Số lượng giải

Tiền thưởng/giải

Hỗ trợ vay vốn tối đa

Giải nhất

1

5 triệu đồng

100 triệu đồng

Giải nhì

2

3 triệu đồng

50 triệu đồng

Giải ba

3

2 triệu đồng

 

Giải khuyến khích

9

1 triệu đồng

 

Tổng

15

 

 

 

2. Trao giải

- Tiền giải thưởng sẽ được chuyển khoản cho cá nhân hoặc đại diện nhóm tác giả trong vòng 30 ngày làm việc sau khi Lễ trao giải được tổ chức. Ý tưởng đạt giải phải chịu trách nhiệm về khoản thuế thu nhập hoặc lệ phí liên quan đến giải thưởng (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

- Tiền hỗ trợ vay vốn để triển khai dự án sẽ giải ngân theo các quy trình, thủ tục của các Quỹ hỗ trợ dưới sự hướng dẫn, giám sát của Ban Tổ chức.

3. Trách nhiệm của tác giả, nhóm tác giả dự thi

- Thí sinh phải tuân thủ thể lệ cuộc thi, trong đó phải đảm bảo:

+ Sản phẩm dự thi không phải đối tượng tranh chấp bản quyền tác giả.

+ Sản phẩm dự thi chưa được sử dụng, cam kết không sao chép một phần hay toàn bộ hoặc vay mượn ý tưởng của những ý tưởng đã đưa vào sử dụng của cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, các thí sinh không được sử dụng sản phẩm cuộc thi này để tham dự bất kỳ cuộc thi nào khác.

+ Không sử dụng ý tưởng, đề án đã đạt giải của các cuộc thi trong nước và quốc tế trong thời gian 05 năm gần nhất tính từ 01/01/2021 trở về trước; không được sử dụng sản phẩm đã đạt giải tại cuộc thi lần này vào bất cứ cuộc thi nào khác có tính chất tương tự.

- Ban Tổ chức không trả lại bài dự thi.

- Để rút khỏi cuộc thi, tác giả, nhóm tác giả dự thi phải thông báo với Ban Tổ chức cuộc thi bằng văn bản trước thời gian hết hạn nộp bài dự thi.

- Trong trường hợp việc tranh chấp bản quyền tác giả phát sinh sau khi sản phẩm thi đạt giải, đối tượng dự thi phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

- Mọi chi phí hay các khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật, do tác giả, nhóm tác giả đạt giải chịu trách nhiệm.

                                                          BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Số lượt đọc: 1217
Đánh giá:
Đánh dấu tin này:
In tin này:

top